Đức Phật dạy rằng khi chúng ta kinh nghiệm cảnh sắc, âm thanh, mùi vị, cảm giác trên thân hoặc những trạng thái khác nhau của tâm, chúng ta nên buông bỏ chúng. Khi tai nghe âm thanh, hãy buông bỏ nó. Khi mũi ngửi mùi hương, hãy buông bỏ nó; hãy để mùi hương ngừng lại ở mũi! Khi những cảm giác trên thân sinh khởi, hãy buông bỏ cái phản ứng thích hoặc không thích theo sau chúng, hãy để cho chúng quay trở lại cái nơi mà chúng đã từ đó sinh ra. Với các trạng thái tâm cũng tương tự như vậy. Tất cả những thứ này, hãy để cho chúng đi theo đường lối của chúng. Đây chính là cái biết [đơn thuần]. Cho dù là hạnh phúc hay đau khổ, đều như nhau cả thôi. Chúng ta gọi đây là thiền tập. Thiền tập có nghĩa là làm cho tâm an bình để trí tuệ sinh khởi. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thực hành với thân và tâm để thấy và biết những sự tiếp xúc của mắt với cảnh sắc, tai với âm thanh, lưỡi với vị, mũi với mùi, thân với xúc chạm và tâm với các trạng thái tâm [tâm hành]. Nói một cách ngắn gọn, nó chỉ là vấn đề của hạnh phúc và đau khổ. Hạnh phúc là cảm giác dễ chịu trong tâm, đau khổ chỉ là cảm giác khó chịu. Đức Phật dạy để tách cái cảm giác hạnh phúc và đau khổ này ra khỏi tâm. Tâm là cái biết. Cảm thọ là cái đặc trưng của hạnh phúc hay đau khổ, thích hoặc không thích. Khi tâm thỏa thích trong những cảm thọ này, chúng ta nói rằng nó bám níu vào chúng, hoặc nó cho rằng cái cảm giác hạnh phúc hoặc đau khổ đó đáng được nắm giữ. Sự bám níu đó là một hành động của tâm, cái cảm giác hạnh phúc hay đau khổ đó chính là cảm xúc. Khi chúng ta nói Đức Phật dạy chúng ta tách tâm khỏi cảm xúc, Ngài đã không nói theo nghĩa đen là đem ném chúng đến những nơi khác. Ngài muốn nói rằng tâm phải biết hạnh phúc và tâm phải biết đau khổ khi chúng sinh khởi. Thí dụ, khi chúng ta thực hành thiền định (samādhi), tâm của chúng ta tràn ngập sự an bình; hạnh phúc đến nhưng nó không chạm đến chúng ta, và rồi đau khổ đến nhưng nó cũng không chạm tới chúng ta. Đây chính là sự tách cảm xúc ra khỏi tâm.
Trích dẫn từ Trang 53, Quyển Những lời dạy vượt thời gian của AJAHN CHAH